Lạm phát hơn 50.000%, Venezuela tăng lương lần thứ ba trong năm |
Theo các nhà phân tích, động thái của chính phủ Venezuela sẽ không giúp ích được gì nhiều để giải quyết những khó khăn mà người dân nước này đang phải chịu.
Diego Moya-Ocampos, nhà phân tích tại Venezuela của hãng tư vấn Anh HS Global Insight, cho rằng việc tăng lương sẽ có tác động tích cực trong ngắn hạn với hầu hết người Venezuela, những người đang phải chống chọi với tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và năng lượng.
"Nhưng trên thực tế, việc tăng lương sẽ khiến lạm phát tại Venezuela tăng thêm, trong khi tiếp tục làm suy giảm sức mua của người dân", nhà phân tích Moya-Ocampos nhận định.
Theo số liệu được cung cấp bởi Quốc hội Venezuela (do phe đối lập lãnh đạo), lạm phát năm tại nước này hiện ở mức 50.100%. Còn theo Chỉ số Cafe Con Leche Index của Bloomberg, lạm phát của nước này hiện là 19.900%. Siêu lạm phát khiến mức lương tối thiểu 40.000 Bolivar trước đó của người lao động Venezuela chỉ tương đương 2 USD.
"Họ đang tiếp tục xem thường người lao động. Ông ấy (tổng thống) thậm chí còn để cho người khác đưa ra thông báo", lãnh đạo đảng đối lập, Juan Guaidó, nhận xét và chỉ trích ông Maduro không trực tiếp công bố việc tăng lương.
Đầu năm nay, ông Guaidó đã khởi động chiến dịch nhằm phế truất tổng thống Maduro với sự hậu thuẫn của Mỹ và hơn 50 quốc gia khác. Trong khi đó, ông Maduro tiếp tục duy trì quyền lực tại Venezuela với việc nắm giữ quân đội và nhận được sự ủng hộ của các nước như Cuba, Trung Quốc và Nga.
Năm 2018, Tổng thống Maduro đã tăng lương tối thiểu 6 lần. Sang năm nay, ông cố gắng hạn chế việc tăng lương nhằm kiềm chế lạm phát bằng nhiều biện pháp, trong đó có chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng từ ngân hàng trung ương.
Khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại Venezuela, bao gồm tình trạng siêu lạm phát, thiếu hụt các loại nhu yếu phẩm, đã khiến hàng triệu người Venezuela phải rời bỏ đất nước, theo thông tin từ Liên Hợp Quốc (UN).
Nguồn Vneconomy
0 Nhận xét