90% người dùng trả tiền mặt khi mua hàng trực tuyến |
Theo Sách trắng thương mại điện tử 2019 do Cục Thương mại điện tử-Kinh tế số vừa công bố, tiền mặt vẫn đang chiếm ưu thế trong các hình thức thanh toán phổ biến được người mua hàng trực tuyến lựa chọn. Hiện có gần 90% người mua hàng trực tuyến chọn cách trả tiền mặt thay vì thanh toán qua thẻ ATM, thẻ tín dụng, ví điện tử, thẻ cào/tài khoản viễn thông...
Theo kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử-Kinh tế số (IDEA), tỷ lệ người dùng thanh toán bằng ví điện tử vẫn còn thấp với chỉ 17% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt khi mua sắm trực tuyến vẫn chiếm tới 88% (năm 2017 là 82%). Việc trả tiền qua thẻ ATM nội địa trong năm ngoái được ghi nhận giảm từ mức 48% (năm 2017) xuống 42%. Trong khi đó thanh toán qua thẻ tín dụng (Credit)/thẻ ghi nợ (Debit) lại tăng từ 19% (năm 2017) lên 31% trong năm ngoái.
Đây cũng là một kết quả được các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) xác định trước. Bởi người dùng khi mua sắm trên mạng vẫn có thói quen trả tiền bằng tiền mặt (theo phương thức COD, giao hàng rồi mới trả tiền). Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng đang từng bước tăng trưởng nhưng đối với hình thức mua hàng trực tuyến vẫn còn hạn chế (chủ yếu trả sau bằng tiền mặt).
Ngoài phương thức thanh toán thì giá trị mua sắm trực tuyến của cá nhân trong năm 2018 cũng được Sách trắng ghi nhận sự chuyển biến. Cụ thể, các khoản mua sắm lớn từ 3-5 triệu đồng tăng từ 20% (năm 2017) lên 22%; còn khoản chi trên 5 triệu đồng tăng mạnh từ 24% lên 35%. Trong khi đó, các khoản chi trong mua sắm trực tuyến từ 3 triệu đồng trở xuống có chiều hướng giảm; ví dụ như khoản chi 1-3 triệu đồng giảm từ 31% xuống 26%; khoản chi dưới 1 triệu đồng giảm từ 25% xuống 17%.
Trong các kênh mua sắm trực tuyến phổ biến trong năm 2018, người dùng vẫn thích chọn mua hàng hoá qua các website TMĐT với 74% (tăng 6% so với năm 2017). Nhưng, có điểm mới là người dùng bắt đầu thích chọn mua hàng trực tuyến thông qua các ứng dụng di động (bao gồm các sàn TMĐT) chiếm tỷ lệ 52%, tăng 9% so với năm 2017 (41%).
Theo số liệu từ Sách trắng TMĐT 2019, quy mô thị trường thương mại điện tử B2C (doanh thu TMĐT bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ bán qua kênh bán hàng TMĐT) của Việt Nam năm 2018 ước đạt 8,06 tỉ đô la, tăng 30% so với năm 2017 (6,2 tỉ đô la). Ước tính số người tham gia mua sắm trực tuyến năm 2018 đạt 39,9 triệu người; tăng so năm 2017 (33,6 triệu người). Giá trị mua sắm trực tuyến ước tính của một người trong năm 2018 là 202 đô la; tăng 16 đô la so với năm 2017 (186 đô la).
Nguồn: https://vietstock.vn/2019/09/90-nguoi-dung-tra-tien-mat-khi-mua-hang-truc-tuyen-757-706151.htm
0 Nhận xét